Video học làm đồ da online

Bài 3 chọn dao cắt da và kỹ thuật cắt da không bị lẹm góc

Bài 3 kỹ thuật cắt da trong làm đồ da handmade chọn dao và máy cắt da phù hợp

Cắt da là thao tác cơ bản nhất và tưởng chừng ai cũng biết tuy nhiên chính cái tưởng chừng dễ nhất này lại là vấn đề mà nhiều bạn mới làm đồ da đang bị vướng. Trong quá trình bán dụng cụ làm đồ da và da thật của mình Da Tấm tiếp xúc với rất nhiều các bạn mới học làm đồ da thủ công và hơn ai hết chúng mình hiểu rằng không phải ai cũng cầm dao là cắt miếng da thẳng và đẹp được. Chính vì vậy nội dung này được Da Tấm đứa vào video đầu tiên trong các video hướng dẫn kỹ thuật làm đồ da handmade của mình.

Chọn dao cắt da và cách cắt da thật thẳng đẹp

Nếu bạn đã có kỹ thuật cầm dao và cắt chi tiết chính xác thì có thể bỏ qua video này, Video này chủ yếu giúp các bạn mới học làm đồ da. Bên cạnh cách tư vấn các bạn chọn dao cắt da và các hướng dẫn để cắt da theo đường thẳng, theo đường cong, bo góc chi tiết. Ngoài ra phần 2 trong video chúng mình còn giới thiệu một số các loại máy cắt chuyên dụng sử dụng trong đồ da thủ công để các bạn có thêm nguồn tham khảo khi muốn lựa chọn một chiếc máy phù hợp cho mục tiêu mở xưởng của mình.

Bài 3: Video về chủ đề cắt da, chọn dao, kỹ thuật cắt và các loại máy sử dụng để cắt da.

Các loại dao có thể sử dụng để cắt da trong làm đồ da handmade

Da bò vốn dĩ rất dai và chắc nên việc cắt da cũng đòi hỏi người thợ chắc tay và luôn giữ độ sắc cho dụng cụ cắt da của mình. Vậy chúng ta có thể dùng các loại dao nào sử dụng để cắt da trong quá trình làm đồ da thủ công.

Dao dọc giấy: Dễ kiếm, dễ mua, giá rẻ, dễ bẻ đốt và thay lưỡi nói chung đây là con dao tiện lợi nhất mà ai cũng có thể sử dụng. Thậm chí những người thợ làm da chuyên nghiệp lâu năm cũng đều có ít nhất một con dao dọc giấy trên bàn làm việc của mình đủ để thấy dòng dao này phổ biến và hữu dụng tới mức nào.

Dao tỉa (dao trổ): Con dao nhỏ gọn có phần lưỡi rất sắc với thiết kế thuôn nhọn phần mũi nên rất dễ khi cắt các đường cong uốn lượn.

Dao lưỡi tròn (Dao bánh xe): Dòng dao có thiết kế lưỡi dang dạng bánh xe tròn, khi cắt lưỡi dao lăn trên bề mặt da nên đường cắt rất ngọt và không làm xô da hạn chế việc bị lẹm da ở phía cuối của đường cắt.

Dao đa năng (Lạng da và cắt da): Là dòng dao đa năng vừa sử dụng để lạng da vừa có thể dùng để cắt da. Việc cắt da bằng dao lạng đôi khi sẽ khó với với người mới nhưng lại được các thợ làm da chuyện nghiệp rất thích sử dụng. Đa phần các dao lạng đều được làm từ thép rất tốt nên khả năng giữ lưỡi sắc rất lâu.

Dao bán nguyệt: Dòng dao có lưỡi dạng bán nguyệt cực kỳ nghệ thuật, với khả năng cắt cũng rất tuyệt vời. Dao bán nguyệt không dùng để cắt các đường cắt dài mà chủ yếu cắt các chi tiết nhỏ hay thực hiện các đường khấu nhỏ trong chi tiết da. Dao cắt bán nguyệt đòi hỏi người thợ sử dụng phải lành nghề hơn và khó sử dụng với các bạn mới học làm da. Có 2 vấn đề khiến dòng dao này không phổ biến nhiều là chi phí đắt cùng với độ khó trong quá trình mài lưỡi dao khiến cho dòng dao này ít được lựa chọn hơn.

Phần 2 các loại máy cắt da chuyên dụng sử dụng trong làm đồ da thủ công.

Máy ép cắt da bằng tay: Dòng máy sử dụng cần ép và bàn ép để dập khuôn dao lên da cắt các chi tiết sản phẩm. Đây là dòng máy phù hợp với cá nhân hay các xưởng nhỏ với nhu cầu sản xuất vừa phải. Để đảm bảo lực ép tay đủ để cắt da nên bàn làm việc cũng tương đối nhỏ thường phù hợp với các sản phẩm nhỏ như báo da, ví da và dây đồng hồ.

Dòng máy ép tay có chi phí khá hợp lý dao động từ 6 – 10 triệu tuỳ mẫu nên cũng khá dễ tiếp cận với hầu hết mọi người. Đặc biệt với các bạn thường xuyên làm các đồ nhỏ như ví da hay dây đồng hồ thì đây là một lựa chọn cực kỳ hợp lý.

Máy chặt thuỷ lực đầu xoay: Dòng máy thuỷ lực đầu quay là dòng máy phổ biến nhất với các xưởng và nhà máy sản xuất đồ da. Với bàn làm việc lớn lực ép mạnh cùng cơ chế xoay rất tiện giúp quan sát bề mặt cắt dễ dàng hơn tránh được các vết sẹo không mong muốn trên da dính vào sản phẩm.

Máy sử dụng nguồn điện 3 pha tuy nhiên có thể lắp biến tần chuyển về sử dụng điện 1 pha 220v gia đình nên không lo lắng vụ lắp đặt vận hành. Tổng trọng lượng 1 máy khoảng 1 tấn và diện tích phù hợp để lắp đặt vận hành khoảng 2m2

Chi phí cho một máy loại này thường dao động 30 – 40tr. (Đơn giá tham khảo trên các dòng máy cũ còn sử dụng tốt)

Máy chặt thuỷ lực bàn 1m6: Đúng như tến gọi của nó đây là dòng máy chặt có bàn làm việc lớn nhất giúp cắt được những chi tiết da từ nhỏ tới lớn. Công suất máy lớn nhất trong 3 dòng kể trên cùng với việc có thể cắt được các khuôn ở trong phạm vi 0,6 x 1,6m nên đây thường là dòng máy được các xưởng lớn và các nhà máy lựa chọn.

Máy sử dụng nguồn điện 3 pha tuy nhiên có thể lắp biến tần chuyển về sử dụng điện 1 pha 220v gia đình nên không lo lắng vụ lắp đặt vận hành. Tổng trọng lượng máy tầm 1,4 tấn với không gian phù hợp để đặt và vận hành vần 3m x 3m.

Máy cắt laser: Đây cũng là cách mà nhiều xưởng hiện nay lựa chọn để cắt các sản phẩm da thật. Đối với máy cắt laser sử dụng để cắt da thật công suất đầu đốt tối ưu >100W. Ngoài việc cắt các chi tiết da máy Laser còn có thể hỗ trợ đục lỗ khâu và khắc trên da nên rất đa năng trong sản xuất.

Máy có bàn làm việc thường là khá rộng rãi phù hợp với nhiều loại sản phẩm từ nhỏ tới to.

Một số nhược điểm của dòng máy này: Chi phí bóng đốt cao nếu chẳng may bị hư hỏng, Cần diện tích không gian lớn và thoáng khí cùng hệ thống hút mùi tốt. Trong quá trình cắt da để lại các muội than bám trên sản phẩm và rất khó vệ sinh hết phần này. Không phải loại da nào cũng cắt được trên máy cắt Laser nên phải chọn những loại da phù hợp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *