Hướng dẫn làm bìa sổ da thật handmade với dụng cụ làm đồ da cơ bản tại nhà cho các bạn bắt đầu học làm đồ da thủ công. Các bạn xem chi tiết trong video hướng dẫn một số dụng cụ sử dụng trong Video ở trong phần mô tả và một số hướng dẫn có thể tham khảo phía dưới bài viết.
Hướng dẫn làm bìa sổ da thật handmade với bộ dụng cụ làm đồ da
Các dụng cụ làm da sử dụng trong Video.
=======================
Da Vegtan Leather, Màu nhuộm Saddle Tan Pro Dye.
Bảng cắt thủ công A3
Dao cắt tỉa đa năng
Dao cắt bánh xe
Thước kim loại
Chỉ sáp tròn 0.45
Cây gọt viền da chuôi gỗ
Kẹp gỗ khâu da
Với những dụng cụ làm đồ da cơ bản cùng một chút tỉ mỉ và sáng tạo các bạn có thể làm được những sản phẩm da thật handmade cho mình và dành tặng những người thân yêu. Yếu tố cần nhất để làm nên một sản phẩm da thật thủ công là sự chuẩn bị. Với bất cứ sản phẩm nào việc vẽ ra bản vẽ chi tiết với số đo cụ thể là việc hết sức quan trọng.
Chuẩn bị bản vẽ chuẩn tỉ lệ 1:1.
Vẽ bản vẽ chi tiết với tỉ lệ 1:1, với bản vẽ thực tế bạn sẽ hình dung được sản phẩm với kích thước thật, đo đạc và kiểm tra xem đã phù hợp với mục đích hay chưa. Với bìa sổ da việc này rất quan trọng vì bạn có thể kiểm tra được bìa sổ có phù hợp với lõi sổ của mình hay không, Các ngăn thẻ ngăn tài liệu để kích thước thế nào là hợp lý.
Nhuộm da Vegtan.
Với các dòng da khác màu da và bề mặt đã được xử lý nhuộm màu và hoàn thiện mặt tại nhà máy thuộc da, tuy nhiên với dòng da Vegtan thảo mộc tự nhiên chúng ta dễ dàng tự nhuộm màu theo ý thích cá nhân và xử lý bề mặt.
Có 2 dạng màu nhuộm đồ da thật cơ bản thường sử dụng với gốc cồn và gốc dầu. Màu nhuộm sử dụng trong video là màu nhuộm gốc cồn tông màu bò cháy sáng. Ưu điểm của màu nhuộm gốc cồn là bay hơi và khô nhanh dễ thao tác và nhuộm.
Chốt màu: Để màu nhuộm được bảo vệ tốt tránh bay màu nhạt màu, Chốt màu là lớp hoá chất phủ ngoài bảo vệ mặt da thường được thoa trực tiếp lên bề mặt của da thật ngay sau khi nhuộm da.
Vẽ và cắt chi tiết sản phẩm.
Sử dụng bút nhũ hoặc dùi nhọn vẽ các mảnh chi tiết lên trên da và cắt rời các chi tiết. Đối với các bạn mới nên sử dụng bút nhũ để đánh dấu vì có thể dễ dàng tẩy xoá nếu chưa chính xác.
Cắt da có thể sử dụng dao dọc giấy, dao tỉa da, dao cắt bánh xe hay dao chuôi gỗ. Mỗi loại dao có những ưu nhược điểm khác nhau chính vì vậy tuỳ thuộc vào thói quen sử dụng của mỗi người mà lựa chọn loại dao cắt khác nhau. Tuy nhiên với các bạn mới Da tấm khuyên nên lựa chọn sử dụng dòng dao cắt bánh xe. với lưỡi dao tròn lăn trên mặt da sẽ làm đường cắt thẳng không bị xô da lệch góc làm lệch chi tiết sản phẩm.
Lạng mỏng chi tiết da nếu cần.
Trong sản phẩm của mình nếu như các vị trí có nhiều chi tiết da chồng xếp lên nhau, Để đảm bảo độ dày sản phẩm không quá cộm chúng ta cần lạng mỏng mép chi tiết da để có được độ mỏng vừa phải cho cạnh sản phẩm.
Trong Video Da Tấm sử dụng dao cắt chuôi gỗ để lạng mỏng mép da phần ngăn thẻ tài liệu. Để lạng đều các bạn đưa dao theo chiều ngang, lưỡi dao khía từ từ lên mặt trong mép da. Nếu không quen sử dụng dao chuôi gỗ các bạn có thể sử dụng dao tỉa, dao lạng da chuyên dụng hay những cây nạo mỏng da dạng dao cạo để làm mỏng cạnh chi tiết da.
Ke viền da vừa trang trí vừa lấy dấu đục đường chỉ khâu.
Để đường khâu thẳng hàng chúng ta sử dụng ke viền chuôi gỗ 2.0mm ke từ cạnh da. Không chỉ giúp có cữ để đục lỗ đường chỉ da mà đường ke còn giúp trang trí các chi tiết sản phẩm thêm thẩm mỹ, tránh đơn điệu.
Để sử dụng các bạn áp má ke ngoài vào cạnh da và đẩy từ từ về phía trước. Dùng lực ấn từ trên xuống để đầu ke tạo một đường ke viền trên mặt da bám theo cạnh da. Nếu bề mặt da không ăn ke hay có độ đàn hồi có thể hơ nóng đầu ke trên lửa hoặc sử dụng đầu ke viền gắn vào mỏ hàn nhiệt.
Khâu da.
Da tấm sử dụng bộ đục xiên 3.85mm cho bìa sổ da thật handmade, Và khâu bằng chỉ sáp tròn 0.45mm, Tuy nhiên các bạn hoàn toàn có thể sử dụng các loại đục khác mà không khác biệt quá nhiều Ví dụ Bộ Đục Trám, Bộ đục lỗ tròn.
Về kỹ thuật khâu các bạn có thể tham khảo tại: Video hướng dẫn đục và khâu đúng kỹ thuật.
Khâu ráp các chi tiết ngăn giấy tờ với tấm mặt trong bìa sổ, cắt ngăn cài thẻ và đóng đinh tán đai trên kẹp tài liệu sổ.
Gọt viền và đánh bóng cạnh xử lý hoàn thiện.
Với kỹ thuật đánh cạnh da, Cạnh sản phẩm được hoàn thiện bằng cánh đánh bóng cạnh thật của da. Kỹ thuật này chỉ sử dụng được trên một số dòng da nhất định như da Vegtan, Da sáp, Vachetta hay một số dòng da gốc mộc không cán hay ép mặt. Còn đối với các dòng da khác cần xử lý bằng phương pháp sơn viền da.
Trong video để hoàn thiện cạnh Da Tấm sử dụng cây gọt viền da, Cây gỗ đánh cạnh và gum đánh cạnh.
Xem thêm: Video hướng dẫn kỹ thuật đánh cạnh sản phẩm chi tiết.